Góc học tập


Tư thế ngồi và cách cầm viết 
A. Tư thế ngồi viết 
- Tư thế ngồi viết phải thoải mái, không gò bó. Khoảng cách từ mắt đến vở 25 -30 cm.
- Cột sống luôn ở tư thế thẳng đứng, vuông góc với mặt ghế ngồi. Hai chân thoải mái, không chân co chân duỗi.
- Hai tay phải đặt đúng điểm tựa quy định. Tay trái để xuôi theo chiều ngồi, giữ lấy mép vở cho khỏi xô lệch, đồng thời làm điểm tựa cho trọng lượng nửa người bên trái.
- Ánh sáng phải đủ độ và thuận chiều, chiếu từ bên trái sang.

                 
B. Cách cầm bút đúng 
Tay phải cầm chắc bút bằng 3 ngón tay (cái, trỏ, giữa). Đầu ngón trỏ cách đầu ngòi bút chừng 2,5cm. Mép bàn tay là điểm tựa của cánh tay phải khi đặt bút xuống bàn viết . Lúc viết, điều khiển cây bút bằng các cơ cổ tay và các ngón tay.
- Không để ngửa bàn tay quá, tạo nên trọng lượng tì xuống lưng của hai ngón tay út va áp út (ngón deo nhẫn). Ngược lại không úp quá nghiêng bàn tay về bên trái (nhìn từ trên xuống thấy cả 4 ngón tay: trỏ, giữa, áp út và út).
- Cầm bút xuôi theo chiều ngồi. Góc độ bút đặt so với mặt giấy khoảng 45 độ. Tuyệt đối không cầm bút dựng đứng 90 độ. Đưa bút từ trái qua phải từ trên xuống dưới các nét đưa lên hoặc đưa sang ngang phải thật nhẹ tay, không ấn mạnh đầu bút vào mặt giấy.
- Ở giai đoạn viết chì, cần chuẩn bị chu đáo cho đầu nét chì hơi nhọn đúng tầm. Nếu quá nhọn dẫn đến nét chữ quá mảnh, đôi khi còn chọc thủng giấy. Ngược lại, đầu nét chì quá “tù”, nét chữ quá to, chữ viết ra rất xấu.

                                

-----------------------------------------------------------------------
7 thói quen học tập tốt 
Học tập là việc làm cần thiết và cần làm cả đời. Bạn không chỉ phải học ngày hôm nay, trên ghế trường phổ thông, hay giảng đường đại học, mà luôn phải không ngừng học hỏi để trau dồi, bổ sung kiến thức.
Vì thế, những thói quen học tập tốt và để học tập tốt là cực kỳ cần thiết.
Có thể một trong số những thói quen dưới đây, bạn đã có. Nhưng cũng có một số thói quen bạn “chưa từng biết đến”, hihi, không sao hết, cứ tập luyện dần để những thói quen học tập tốt trở thành 1 phần trong bạn, và việc học trở thành một niềm yêu thích, hứng khởi nhé!!
     1. Ghi lại những bài cần học mỗi ngày
Một dạng tương tự như Sổ báo bài hồi còn nhỏ í. Nhưng thay vì thầy cô hoặc lớp phó học tập sẽ ghi giùm bạn thì bạn sẽ tự ghi. Ví dụ như hôm đó được thầy dặn dò kiểm tra thì bạn hãy lấy sổ tay ra và ghi thật nhanh: ngày kiểm tra, nội dung kiểm tra...Sổ tay cũng sẽ dùng để ghi dặn dò soạn bài nè, chuẩn bị dụng cụ học tập nè, ngày sinh hoạt ngoại khóa, soạn bài thuyết trình nhóm...Để thuận tiện cho việc xem lại, các bạn nên chia cột theo: ngày dặn dò, môn, việc cần làm, ngày thực hiện....
Thường xuyên xem lại những “chú ý” này để có kế hoạch ôn bài, chuẩn bị bài kỹ lưỡng. Đối với những “chú ý” sắp xảy ra vào ngày mai, ngày kia, bạn nên ghi lại một lần nữa vào nhắc nhở của điện thoại, đảm bảo sẽ luôn “học bài và làm bài đầy đủ”.
     2. Nhớ mang theo “bài tập đã làm xong” đến trường nghen!
Mới nghe có vẻ hơi kỳ kỳ hen, việc đơn giản vậy mà cũng tạo thành thói quen? Ừ, đơn giản thiệt, nhưng hổng chú ý là quên ngay đó. Tự hỏi mình xem là trong suốt mấy năm đi học, có bao giờ chưa để quên bài tập ở nhà hông? Để tránh được việc “bé xíu xiu” này thì thiệt là “dễ ợt ợt” luôn. Bí quyết nằm ở một phong bì hồ sơ “không bao giờ ra khỏi cái cặp”. Khi có bài tập về nhà nào làm xong thì nhanh tay cho ngay vào bìa. Với những bài tập làm luôn trong vở bài tập thì làm xong môn nào, cho vào cặp ngay môn đó.
Trước khi rời khỏi bàn học, lấy cuốn sổ “chú ý” ra, kiểm tra lại các bài mình đã làm chưa, và mở cặp ra xem đã bỏ vào chưa. Hihi, bi giờ thì yên tâm đi ngủ òi!
3. Thầy/cô ơi, cho em hỏi...
Một lời khuyên cũ mà không bao giờ cũ để học tốt là: Không biết thì phải hỏi. Và người trả lời chính xác nhất điều mình không biết đó chính là thầy cô giáo. Thú thiệt, hỏi thầy cô quả thiệt “khó khăn”, thậm chí là “cực hình” nữa. Đó một phần là vì bản thân tụi mình còn xa cách với thầy cô, ấn tượng nhiều “tin đồn” từ tụi bạn về thầy cô thui. Cứ tưởng tượng thầy cô bộ môn như thầy cô chủ nhiệm, hoặc đó là một người thầy mình yêu mến và cởi mở, ngoan ngoãn trò chuyện.
Ban đầu là những lời chào hỏi, gặp gỡ vui vẻ, dần dần cảm giác “ngại” hỏi sẽ biến đâu mất tiêu à!
    4. Học với sắc màu
Một quyển tập kín mít, chi chít một màu bút bi xanh (thỉnh thoảng chêm vài nét bút đỏ)... nhìn mãi, nhìn hoài “học hổng vô”. Nhưng một quyển tập có đoạn được móc ngoặc, có đoạn tô highlight, có chữ gạch chân....rồi giấy sticker, những mũi tên móc móc ghi chú đủ màu xanh đỏ, vàng, cam chắc chắn sẽ “níu chân” chúng mình lại thiệt là lâu, mà lại “chui vô đầu” chúng mình cũng thiệt là nhanh phải hông nè!
Bí kiếp là chuẩn bị thiệt nhiều các loại bút và giấy note nhé! Khi lần đầu tiên chép bài thì cứ ghi bằng bút xanh bình thường thôi, điểm nào thầy cô giảng thêm thì ghi vào giấy sticker bên cạnh. Tối hôm đấy khi ngồi ôn lại bài, hãy đánh dấu, gạch chân, ghi chú, và dán giấy sticker vào. Như vậy bạn đã học bài được 2 lần rồi. Sau này khi ôn lại bài sẽ cực kỳ dễ dàng luôn!
    5. Biết người biết ta trăm trận trăm thắng
Nói nôm na là thế, nói cụ thể hơn đó là: bạn phải biết được phong cách học của mình. Ví dụ như có những bạn chỉ cần ngồi nghe thôi đã nhớ hơn phân nửa bài học, có bạn khác thì khi học thuộc lòng phải đọc to lên mới thuộc được, bạn khác thì phải ghi hết ra giấy sẽ thuộc... Mỗi người có một cách học bài, ghi nhớ khác nhau. Muốn học tốt, bạn bắt buộc phải tìm ra được cách học nào phù hợp với mình. Đừng nên thấy bạn bè học thế nào thì học theo thế ấy nha.
Ban đầu nếu chưa biết cách học của chính mình, bạn nên tham khảo một số cách học của bạn bè, nhưng nếu thấy không hiệu quả thì phải dừng ngay lại và tìm cách khác nghen! Một khi đã tìm được cho mình một phương pháp phù hợp, vấn đề cuối cùng cần làm là phát huy tốt đa hiệu quả của cách học đó thôi!
    6. Tập trung, tập trung, tập trung!
Hôm nay có bài tập về nhà, phải ôn bài để tuần sau kiểm tra, có một bài phải chuẩn bị trước...Nhưng hôm nay cũng có truyền hình trực tiếp Quà tặng âm nhạc, có đứa bạn rủ rê lên chat, phải vô facebook trồng cây...Làm sao để có thể vừa chơi mà vừa học? Cách thông thường chúng mình vẫn làm là gác lại “một số bài học chưa cần làm ngay”, mai hãy làm. Nhưng cứ gác dần, gác dần, ngày này sang ngày khác sẽ tạo thói quen không tốt, và những “bài học bị gác chồng chất” ấy sẽ đổ ập vào bạn lúc nào hổng hay đó.
Những khi lâm vào tình huống “nan giải” như vậy, hãy tập trung, tập trung, thiệt tập trung đặt “bài học” là ưu tiên số 1. Hoàn thành hết tần tần các bài của ngày hôm nay, việc dự định làm hôm nay rồi mới bước đến ưu tiên số 2 để giải trí. Bí quyết nhỏ để bạn có thể tập trung được là tự hỏi mình: “Chuyện gì sẽ xảy ra nếu mình không học bài và làm bài đầy đủ? Những thú vui kia có đáng để mình “hy sinh” thế không? Mình có thể xem lại, chơi lại vào những ngày nào nè?...”
    7. Yêu thương và chăm sóc bản thân mình nhé!
Nếu bạn cảm thấy mệt ơi là mệt, mắt cứ nhắm tịt lại và chán ngán mỗi khi chuẩn bị ngồi vào bàn học? Chà, hãy nạp lại năng lượng cho mình một tí bằng thói quen thực hiện một vài động tác thể dục nhẹ nhàng: xoay cổ tay, mát-xa vai, lưng, hông, chạy bộ tại chỗ... Sau khi học xong mỗi môn học, hoặc đang học bài thuộc lòng, dù không thấy mệt, cũng đứng dậy đi lòng vòng, thay đổi tư thế ngồi và tập vài động tác luôn.
Bạn không chỉ hổng còn thấy mệt nữa mà tự nhiên sẽ học được lâu hơn, làm bài cũng nhanh hơn và chính xác hơn nữa đó.
Trần Thị Bảo Ngọc
Mực Tím - Thứ Sáu, 2/10
------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------

Tony Buzan: Truyền cảm hứng bằng "sơ đồ tư duy"

(TuanVietNam) - Ngoài đời, Tony Buzan giống như những gì mà người ta hình dung: lịch lãm, uyên bác và cởi mở. Có lẽ hình ảnh ấy của ông cũng là một trong những lý do để ông được chào đón và yêu mến ở rất nhiều nơi cùng với sự lan tỏa của Mind map - sơ đồ tư duy.


Đối với tôi, Tony Buzan đã trở thành một người mà tôi "hàm ơn", còn Mind map là công cụ học tập và làm việc không thể thiếu. Tôi cũng cho rằng sơ đồ tư duy đã và đang thúc đẩy làn sóng cách mạng học tập bùng nổ tại Việt Nam và trên thế giới.


Sơ đồ tư duy – con đường đến với “Học cách học”
Theo Tony Buzan, tư duy có thể ghi bằng hình ảnh (Ảnh: Tuổi Trẻ)
Năm 2003, khi còn là một sinh viên năm thứ nhất, tôi cùng các bạn trong nhóm Tư duy mới (New Thinking Group) luôn băn khoăn trong mình một câu hỏi: “Từ bé đến lớn chúng ta được dạy để tích lũy kiến thức, nhưng đã bao giờ chúng ta được dạy cách để lĩnh hội những kiến thức đó một cách hiệu quả chưa?”
Câu trả lời “chưa ở đâu học sinh Việt Nam được dạy và được học "cách học" đã khiến cho chúng tôi háo hức và say mê tìm hiểu một lĩnh vực hoàn toàn mới mẻ với những khám phá bất ngờ về các nguyên tắc hoạt động của bộ não, các công cụ học tập và làm việc hoạt động theo cách làm việc của bộ não, cách nâng cao khả năng ghi nhớ, tưởng tượng và sáng tạo…
Qua các lớp học về Nâng cao năng lực tư duy mà chúng tôi là các giảng viên, chúng tôi đã nhận được sự chia sẻ của hơn một ngàn học viên từ 6 đến 66 tuổi (nói không ngoa). Điều đó thôi thúc chúng tôi phát triển và chia sẻ những công cụ tư duy mình đã tìm hiểu được tới nhiều người hơn nữa.
Một trong những thành công lớn nhất mà chúng tôi đã làm được chính là thành công với sơ đồ tư duy mà cha đẻ của nó là Tony Buzan, người có chỉ số sáng tạo cao nhất thế giới và nếu bạn tìm hiểu về ông, bạn sẽ còn thấy vô vàn những điều đáng kinh ngạc khác nữa.


Sơ đồ tư duy – Nguyên lý và hoạt động
Tony Buzan trong chương trình Người đương thời
Trong chuyến thăm Việt Nam của Tony Buzan năm 2007 và cuộc trò chuyện cùng nhà báo Tạ Bích Loan trên chương trình Người đương thời, có lẽ hình ảnh của Tony Buzan nay đã không còn quá xa lạ với nhiều người Việt Nam.
Nhu cầu tìm hiểu về sơ đồ tư duy cùng các công cụ tư duy khác trong làn sóng cách mạng học tập đang bắt đầu lan tỏa tại Việt Nam dẫn đến sự ra đời của hàng loạt sách về Học cách học của nhà xuất bản Nhân Trí Việt. Nhờ thế, những lần dạo qua hiệu sách, tôi thường bắt gặp hình ảnh các bạn sinh viên đang chăm chú giở những cuốn sách về sơ đồ tư duy ra đọc một cách tò mò và say mê.
Sơ đồ tư duy không khó. Bất cứ ai cũng có thể tạo một sơ đồ tư duy ở dạng đơn giản theo nguyên tắc phát triển ý: từ một chủ đề tạo ra nhiều nhánh lớn, từ mỗi nhánh lớn lại tỏa ra nhiều nhánh nhỏ và cứ thế mở rộng ra vô tận.
Ví dụ như bạn muốn lập sơ đồ tư duy cho một tuần làm việc, hãy vẽ chủ đề trung tâm tuần sau vào giữa trang giấy trắng. Từ chủ đề bạn vẽ 7 nhánh lớn là thứ 2, thứ 3…cho đến chủ nhật, mỗi nhánh một màu. Rồi từ mỗi thứ, bạn lại vẽ các nhánh nhỏ là các công việc bạn định làm trong thứ đó, mỗi công việc lại triển khai ra các ý chi tiết hơn như bạn định làm việc đó với ai (Who), ở đâu (Where), bao giờ (When), bằng cách nào (How)...
Cứ như vậy bạn sẽ có được trên cùng một trang giấy các công việc bạn định làm trong một tuần vàcái hay của sơ đồ tư duy là ở chỗ nó giúp bạn có cái nhìn tổng thể, không bỏ sót các ý tưởng; từ đó bạn có thể dễ dàng đánh số thứ tự ưu tiên các công việc trong tuần để sắp xếp và quản lý thời gian một cách hiệu quả và hợp lý hơn so với một quyển sổ liệt kê các công việc thông thường.

Nhưng vẫn ít người sử dụng sơ đồ tư duy lắm – Tại sao?

Khái niệm của sơ đồ tư duy thì thực sự đơn giản. Nguyên lý hoạt động thì đúng theo nguyên tắc liên tưởng “ý này gọi ý kia” của bộ não. Cách vẽ cũng rất giản đơn và còn rất nhiều tiện ích khác khiến cho sơ đồ tư duy ngày càng trở nên phổ biến toàn cầu.
Nhưng tại Việt Nam, có thể thấy số người biết đến sơ đồ tư duy thì nhiều mà số người sử dụng nó thì chỉ đếm trên đầu ngón tay. Vậy nguyên nhân là tại sao?

Với kinh nghiệm 6 năm giảng dạy về sơ đồ tư duy cho rất nhiều các đối tượng học viên khác nhau, tôi đã tìm hiểu và đúc kết được 5 nguyên nhân chính, đó là:

1 – Sơ đồ tư duy sử dụng nhiều màu sắc quá, trông như tranh vẽ của trẻ con vậy. Lại mất công tô màu.

2 – Sơ đồ tư duy thì phải vẽ, mà mình thì vẽ xấu lắm, bạn biết đấy. Mình làm gì có năng khiếu đâu.

3 – Dùng sơ đồ tư duy thì cũng viết như ghi chép thông thường thôi mà, thậm chí còn mất nhiều thời gian hơn.

4 – Tốn giấy lắm!

5 – Mình dùng hoài rồi mà chẳng thấy giúp tăng trí nhớ lên gì cả. Chắc tác giả nói quá lên thôi.


Vậy những nguyên nhân này có đúng không?
Các em học sinh tập vẽ sơ đồ tư duy
Trước hết, tôi muốn chia sẻ với các bạn: sử dụng sơ đồ tư duy lần đầu tiên cũng giống như mới tập đi xe máy. Những ai đã đi quen rồi thì thấy nó thực sự đơn giản và so với xe đạp thì quả là vượt trội. Nhưng với những người mới tập đi thì việc ghi nhớ các nguyên tắc vận hành và thực hành cho đúng không phải là dễ.
Vì vậy nên sẽ có bạn vẫn để số 0 mà tăng ga rồi bảo xe này chẳng có ích gì; lại cũng sẽ có người vừa tăng ga vừa đạp phanh, rồi tự nhủ mọi người bảo sao chẳng biết chứ mình thấy xe này đi chậm rì, lại còn nặng hơn cả xe đạp nữa.
Kết quả là họ đi đến kết luận chung: Xe này thấy quảng cáo thì hay, chứ đi thử thì cũng không thấy có gì ưu việt lắm, thôi mình cứ quay về đi xe đạp cho khỏe, vừa quen thuộc lại vừa đỡ phải thử cái gì mới làm chi cho mệt người.

Sơ đồ tư duy cũng vậy thôi. Bạn nào nghe qua cũng thấy đơn giản, nhưng thực chất khi bạn đưa ra một trong những lý do trên chính là bởi bạn đã vi phạm một hay nhiều những nguyên tắc “đơn giản” đó.
Tôi thường chỉ cho các học viên thấy các vi phạm đó của họ, và khi khắc phục được nhược điểm này thì sơ đồ tư duy tỏ ra hiệu quả hơn rõ rệt. Những lời khuyên mà tôi hay đưa ra thường là:

Bạn không cần phải sử dụng nhiều màu sắc. Bạn có thể chỉ cần dùng một màu nếu chưa quen và muốn tiết kiệm thời gian. Các chuyên gia của hãng Boeing cũng đã vẽ nên những sơ đồ tư duy khổng lồ khi xây dựng ý tưởng về việc cơ cấu lại hãng này để tạo lợi thế cạnh tranh chỉ với một màu.
Nếu bạn thấy mất quá nhiều thời gian để tô đặc màu trong một nhánh, sao bạn không thử gạch chéo, đánh dấu cộng, hay chấm bi trong đó? Rất mới mẻ và tốn ít thời gian.
Nếu trên mỗi nhánh bạn viết đầy đủ cả câu thì như vậy bạn sẽ dập tắt khả năng gợi mở và liên tưởng của bộ não. Não của bạn sẽ mất hết hứng thú khi tiếp nhận một thông tin hoàn chỉnh.
Vì vậy, hãy nhớ trên mỗi nhánh bạn chỉ viết một, hai từ khóa mà thôi. Khi đó, bạn sẽ viết rất nhanh và khi đọc lại, não của bạn sẽ được kích thích làm việc để hoàn thiện nốt thông tin và nhờ vậy, thúc đẩy năng lực gợi nhớ và dần dần nâng cao khả năng ghi nhớ của bạn.

Những trải nghiệm trong việc giảng dạy sơ đồ tư duy tại VN
Sơ đồ tư duy môn lịch sử và sinh học do các em học sinh vẽ

Trong một năm qua, tôi đã dành nhiều thời gian và tâm sức để giảng dạy sơ đồ tư duy cho các giáo viên và học sinh tại trường tiểu học và THCS Dream House – Trí Việt.
Tôi thấy các em học sinh nhỏ từ lớp 1 cũng đã có thể vẽ được những sơ đồ tư duy đơn giản, rất logic và đáng yêu, đặc biệt là với các chủ đề thân quen như Mẹ, Gia đình của em, hay Mùa hè của em.
Những em học sinh lớn hơn thì thường xuyên sử dụng sơ đồ tư duy khi làm việc nhóm và hệ thống kiến thức đã học trong các môn học ở trường, đặc biệt là khi ôn tập cho các kỳ thi.
Sơ đồ tư duy cũng giúp các em và các thầy cô giáo tiết kiệm thời gian làm việc ở nhà và trên lớp rất nhiều với các phần mềm sơ đồ tư duy trên máy mà các em có thể làm tại nhà và gửi email cho các thầy cô chấm chữa trước khi lên lớp.
Với kinh nghiệm đó, tôi có thể thấy được làn sóng cách mạng học tập tại Việt Nam hoàn toàn có thể lan tỏa trong những thế hệ học trò mới, chỉ cần có sự hướng dẫn tỉ mỉ của các thầy cô giáo và các điều kiện hỗ trợ ở những môi trường giáo dục tốt.
Khi đó, nền giáo dục của chúng ta sẽ chẳng còn cách quá xa ngày mà Việt Nam có thể “sánh vai cùng các cường quốc năm châu trên thế giới” như mong ước của Bác Hồ kính yêu và các nhà giáo dục tâm huyết ngày hôm nay.

Tony Buzan – Người truyền cảm hứng
"Người thầy vĩ đại biết cách truyền cảm hứng"
Quy trở lại với người mà tôi "hàm ơn" - cha đẻ của sơ đồ tư duy. Có lẽ cần có những lần Tony Buzan đến Việt Nam nhiều hơn nữa để nhiều học sinh, sinh viên hơn được gặp gỡ ông và được ông truyền cảm hứng, như tôi đã có trong buổi workshop năm 2007.
Tôi vẫn còn nhớ cái cảm giác xúc động khi ông ngạc nhiên nhìn bức vẽ sơ đồ tư duy của tôi, khen ngợi một cách thật lòng và ký tặng một điểm A+ hào phóng.
Tôi nhớ thi hào William A.Ward đã từng nói: “Người thầy trung bình chỉ biết nói, người thầy giỏi biết giải thích, người thầy xuất chúng biết minh họa, còn người thầy vĩ đại biết cách truyền cảm hứng.
Đối với tôi, Tony Buzan đã truyền cho tôi cảm hứng để tiếp tục niềm say mê giảng dạy sơ đồ tư duy cho các bạn giáo viên và học sinh trong suốt những năm qua.
Vì thế, nếu bạn chỉ mới đọc sách của ông thôi thì chưa đủ. Hãy thực hành sơ đồ tư duy ngày hôm nay và trải nghiệm nó để một ngày không xa khi bạn gặp Tony Buzan, bạn sẽ tự mình cảm nhận niềm hạnh phúc được chia sẻ và được khích lệ bởi "thiên tài sáng tạo" này.  
Tony Buzan là tác giả và đồng tác giả của hơn 92 đầu sách được dịch ra trên 30 thứ tiếng với ba triệu bản đang được bán ở 100 quốc gia, Tony Buzan được cả thế giới biết đến bởi những công trình nghiên cứu về não bộ và phương pháp tư duy.
Sinh năm 1942 tại London, ông là người đã sáng tạo ra phương pháp Mind Map. Tony Buzan chính thức giới thiệu phần mềm iMindMap vào tháng 12/2006 và được biết đến nhiều nhất thông qua cuốn Use your head, trong đó ông trình bày cách thức ghi nhớ tự nhiên của não bộ cùng với các phương pháp Mind Map.
Là nhà tư vấn thương mại cho các tập đoàn đa quốc gia như British Petroleum, Barclays International, General Motors, IBM, Walt Disney, ông còn là cố vấn cao cấp cho các chính phủ và nhiều tổ chức phi chính phủ.
Ông đã nhận bằng danh dự về Tâm lý học, Văn chương Anh, Toán học và các môn khoa học tự nhiên của Trường Đại học British Columbia năm 1964.

  • Thu Liên
    Clip 
      • Sử dụng Bản đồ tư duy trong dạy học tại Việt Nam



    ---------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------




    Rèn luyện kỹ năng sử dụng ngôn ngữ trong văn miêu tả cho HS tiểu học 
    Học sinh tiểu học bước đầu đã được làm quen với dạng văn miêu tả (tả đồ vật, tả con vật, tả cây cối, tả người...) nhưng thực tế các em vẫn còn lúng túng, chưa thành thạo trong việc sử dụng ngôn ngữ thích hợp để viết bài. Cho nên, rèn luyện kỹ năng sử dụng ngôn ngữ trong văn miêu tả cho học sinh là vấn đề hết sức cần thiết đối với giáo viên nhằm giúp các em thành thạo sử dụng ngôn ngữ trong văn miêu tả, nâng cao chất lượng bài làm văn.
    Theo "Từ điển Tiếng Việt cơ bản" (Nguyễn Như Ý- chủ biên), "Từ điển tiếng Việt" (Viện ngôn ngữ học), sách giáo khoa phổ thông... Nhìn chung, các định nghĩa đều có cái nhìn giống nhau về ngôn ngữ miêu tả: Miêu tả là dùng ngôn ngữ hoặc một phương tiện nghệ thuật nào đó làm cho người khác có thể hình dung được cụ thể sự vật, sự việc, con người. Muốn miêu tả đựơc phải quan sát, tổ chức sắp xếp các chi tiết theo logíc, lựa chọn từ ngữ, cách đặt câu, dựng đoạn một cách có nghệ thuật... cốt để làm nổi bật cái thần, cái hồn của đối tượng miêu tả.
    Trước hết, ngôn ngữ miêu tả là phải có tính chính xác. Ngôn ngữ miêu tả chính xác là ngôn ngữ miêu tả sát đúng, cụ thể từng biểu hiện của sự vật, sự việc, con người (ngay cả ý nghĩ, tư tưởng...). Bởi văn học phản ánh cuộc sống một cách chân thực, do đó "văn muốn hay là phải đúng" (Lê Quý Đôn). Tả con mèo thì mắt phải tròn, tiếng kêu “meo meo”, ngủ “lim dim”, đi “nhẹ nhàng”… Tả người thì tùy vào đối tượng đó là ai mà sử dụng ngôn ngữ phù hợp, không thể tả mái tóc, nước da của em bé cũng giống như người lớn được…
    Thứ hai, tính hàm súc. Hàm súc nghĩa là súc tích, ít lời mà nhiều ý "ý tại ngôn ngoại". Đây là đặc điểm nổi bật đối với văn miêu tả bởi có thế thì đối tượng cần tả mới nổi bật, gợi cảm. Nhà văn Tô Hoài tả: "Nhưng hai bên sườn núi trong các lũng vẫn chỉ sừng sững một màu đá xám ngắt, không thấy đâu một chút vàng lúa chín" (Cứu đất cứu mường) mà đó lột tả được cảnh núi rừng miền Tây Bắc.
    Thứ ba, tính hình tượng. Ngôn ngữ miêu tả giàu hình tượng là ngôn ngữ giàu hình ảnh, đường nét màu sắc, âm thanh, nhạc điệu... có khả năng gây ấn tượng mạnh, tác động sâu xa trong trí tưởng tượng và cảm nhận của người đọc. Tả con đêm trăng thì “sáng vằng vặc”, tả con suối thì màu “trắng xóa”, chảy “róc rách”…
    Thứ tư, ngôn ngữ phải mang tính truyền cảm. Thông qua hệ thống tín hiệu ngôn ngữ, nhà văn phải bộc lộ những cung bậc tình cảm khác nhau, có thể là niềm vui hay nỗi buồn, yêu thương hay giận hờn... trước đối tượng mình tả. Tứ đó mà hướng dẫn nhận thức và thôi thúc hoạt động của con người. Hướng dẫn học sinh tả con vật thì phải sử dụng những từ ngữ yêu thương, quý mến như: nhớ, thương, yêu quý... hay tả mẹ thì dùng những từ như:  biết ơn, yêu quý, thương yêu...
    Tính cá thể hoá cũng là một yêu cầu cao đối với văn miêu tả. Mỗi học sinh do xu hướng, sở trường, thị hiếu, tập quán, tâm lý xã hội, cá tính mà hình thành giọng điệu riêng, cái vẻ riêng về cách dùng từ, đặt câu, dựng đoạn trong bài văn. Có như vậy người đọc nhận ra một bài văn có phong cách, ở chỗ nó cho cảm giác “về một cái khép kín” (Mắc Gia Cốp). Đem lại cho cảnh rực rỡ, lộng lẫy sắc màu, hài hoà, dung dị, tự nhiên. Nó tạo nên giá trị biểu cảm, gợi hình, gợi nét và "gợi cho người đọc cảnh hiện ra y như thật" (Hà Minh Đức). Ví dụ nhà văn Tô Hoài tả: "Bây giờ, buổi sáng mùa đông khô ráo. Từ mặt đất, mây mù dần cất cao như một mành sương cuộn lên, lần đầu tiên trông thấy đồng lúa chín, rồi nước suối Nậm Giơn óng ánh sáng, rồi các nóc nhà trong làng nhấp nhô, rồi thấy ngang lưng quả núi xanh ngắt”.
    Như vậy, rèn luyện kỹ năng sử dụng ngôn ngữ trong văn miêu tả cho học sinh tiểu học là một trong những vấn đề cần thiết trong dạy học môn văn. Bởi nếu không thì học sinh sử dụng ngôn ngữ tùy tiện, tùy hứng dẫn đến chất lượng bài văn kém và kéo theo các dạng văn khác các em cũng không thể làm tốt được, bởi văn miêu tả còn được vận dụng trong các dạng văn khác nữa như văn kể chuyện, trần thuật, phát biểu cảm nghĩ, tưởng tượng…
    Hà Thị Thu Hoài


Bài viết liên quan