Hồi ức của đứa trẻ nhiều tuổi


Những năm sau này, dịp Tết, không đợi tôi nhắc, vợ tôi lại mua cho tôi bộ đồ mới, không ủi mà gấp lại gối đầu giường, để có mùi vải mới, mùi của ký ức tuổi thơ.
Nhiều lần, bàn luận với bạn bè đến nhà chơi, tôi thường nói: "Tôi nghĩ lui nghĩ tới, thấy lớp trẻ thành phố bây giờ có một thiệt thòi lớn, không biết khổ là gì nên không biết thế nào là sướng. Mình sống qua thời khổ ải, nên giờ sướng chỗ nào biết chỗ đó"

Sắp Tết, người đến may áo mới làm nhà chú Lai chật như nêm. Chú Lai chân to chân nhỏ nên không được đi bộ đội. Chú ở nhà làm thợ may. Hồi đó ai làm gì phi nông nghiệp đều được liệt vào hạng tiểu thương, không được trọng. Chú Lai vì thế ế vợ cho dù thanh niên trai tráng ra trận cả, trong làng thanh niên lành lặn chẳng còn ai.
Nhưng Tết đến, chú Lai trở thành nhân vật quan trọng số 1 của làng. Nhà nào cũng năn nỉ để chú Lai may trước cho con mình bộ quần áo mới.
Mạ tôi cũng như bao bà mẹ khác, thời khốn khó, tiêu chuẩn mỗi người chỉ có 2m phiếu vải, may áo quần trong năm hết sạch, thế mà cuối năm, ai cũng cố mua bán đổi chác thế nào đó để cho con mình có ít nhất là cái áo mới, gọi là áo Tết.
Mua được vải rồi, may được kịp hay không lại là một chuyện.
Làng Lộc An, xã An Thủy của tôi nằm bên sông Kiến Giang thơ mộng của huyện Lệ Thủy nổi tiếng "gạo trắng nước trong" của tỉnh Quảng Bình kiên cường bất khuất. Cả làng bám vào đồng chiêm trũng mà sống. Giáp Tết lại là mùa cấy. Hợp tác xã treo khẩu hiệu "Cấy chưa xong đừng hòng ăn Tết", vì thế phải chiều 30 Tết mới có thể dọn nhà, sắm sửa chút đỉnh để đón xuân.
Tôi nhớ nhiều lần, tôi phải ngồi chờ cho đến khuya gần tới giao thừa chú Lai mới may xong cái áo cuối cùng cho anh em tôi. Chú Lai chỉ may, không xăm khuy, đơm cúc, cứ thế mang về. Mỗi chiếc áo, chú Lai lấy công may 4 lon gạo.
Mạ tôi ngồi bên bếp lửa nấu bánh chưng xẻ khuy, bọn tôi lôi hết áo cũ ra, cái nào còn mặc được để lại, cái nào cũ quá thì cắt cúc áo ra để đơm vào áo mới. Không có nữa thì cứ cắt một cúc để lại một cúc. Sau này nghĩ lại, đến cái cúc đúc bằng nhựa cũng không sản xuất được mà bán cho dân, thấy buồn cười, nhưng thời đó nghĩ sản xuất được cái cúc áo chắc phải có công nghệ cao siêu lắm nên coi chuyện cũng thường tình.
Có áo rồi bọn tôi tìm cách là cho nó thẳng. Tôi gắp mấy cục than hồng trong bếp nấu bánh chưng bỏ cái môi múc canh cho nóng lên thì là. Thằng Cường em tôi lại dùng cái ấm đun nước sôi, đặt lên áo một miếng lá chuối rồi là lên
tấm lá. Con Phú con gái cẩn thận hơn, dùng bẹ chuối hơ lửa cho nóng lên rồi lấy khăn bao bẹ chuối lại, cứ thế là...
Xong rồi, đứa nào cũng cẩn thận gấp lại, bỏ dưới gối, gối lên đầu mà ngủ cho nó có nếp gấp. Đêm đứa nào cũng sè sẹ lôi tấm áo từ gối lên, ngửi cái mùi hồ thơm nức từ chiếc áo chưa kịp giặt, thấy mùi hồ vải thơm lạ lùng...
Thao thức cả đêm chỉ chờ sáng ra để được mặc áo mới.
***
Nói chuyện Tết, nhà tôi lại nhắc, hồi hai đứa con tôi còn nhỏ, cứ sắp Tết cô ấy bảo ước gì mình có phép phân thân. Lo về quê, lo giữ con, vừa công việc cơ quan, vừa dọn nhà, vừa lo mua sắm... Tiền thì ít, sức thì yếu nên đầu tháng chạp là đã lo mua những thứ có thể để được, ví như quần áo, đường, kẹo... Mà thú thật hồi đó còn nghèo, chỉ có con là năm nào cũng có đồ mới chứ ba mẹ thì thỉnh thoảng thôi.
Có một năm, trưa 30 Tết, tôi bảo vợ: "Mua cho anh bộ đồ mới". Đang lúc vừa phải lau nhà, vừa dọn bàn thờ, lo chuẩn bị nấu nướng, nghe chồng bảo vậy cô ấy bực lắm. "Ủa, thì mới mua đầu tháng chạp mà, với lại có phải là trẻ con nữa đâu?". Nghĩ thì nghĩ thế nhưng cô ấy vẫn ba chân bốn cẳng chạy đi mua mà cứ không sao hiểu nổi thằng... tôi!
Quần áo mua về thì phải thử. Con thử xong thì mẹ giặt rồi đem cất, còn tôi thử xong mặc luôn. Vợ tôi thấy lạ, bảo sao không giặt, tôi bảo mặc luôn để ngửi mùi hồ vải, thích lắm. Mắt cô ấy trợn tròn, bởi cô ấy sinh sau tôi đến chục năm lại sống ở phố nên nghe chuyện này như chuyện... cổ tích.
Nhiều năm sau, có một lần, ngồi tỉ tê chuyện trên trời dưới đất, tôi kể lại chuyện hồi nhỏ mấy anh em phải trực ở nhà ông thợ may chờ lấy áo. Có hôm có được áo cũng gần giao thừa. Đem về xếp cẩn thận để lên đầu giường gối đầu lên cho có nếp, suốt đêm ngủ mà cứ hít hà cái mùi vải mới, cứ chờ trời sáng để mặc vào, thấy đã đời.
Cô ấy nghe xong lặng người đi. Lát sau mới nói như tự nói với mình: "Hóa ra đi đông vòng tây rồi, anh vẫn giữ vẹn nguyên ký ức của một đứa trẻ".

***
Một lần, mạ tôi nói với con dâu: "Nó (chỉ tôi) là thằng lọt trời rơi xuống. Ba tuổi không chịu ngồi mà miệng thì cứ nói gion giỏn. Có lỗi bị mạ đập không chịu chạy, không hề khóc, mình đập chán thì thôi. Nhưng Tết cầm tấm áo mới, mắt lại rưng rưng muốn khóc". Cô con dâu nói với mẹ chồng: "Con làm mẹ vậy mà nhiều khi thấy cái cách chồng con chiều các con mình cũng thấy ngỡ ngàng. Chọn áo quần cho con đứa nào cũng thích, bảo ba có gu thẩm mỹ đã đành lại còn rất... trẻ. Hình như ba có biệt tài biết tụi con thích gì". Mạ tôi nói lại: "Có lẽ hắn lo cho con hắn để bù đắp sự thiếu hụt của cuộc đời mình". Vợ tôi nghe bà nhà quê nói xong câu đó thì nước mắt lưng tròng. Đoạn kể với tôi: "Trong cuộc đời, đôi khi người ta vẫn thường hỏi ai đó anh (chị) từ đâu đến? Đôi khi chỉ là để biết mà xã giao trong công việc, nhưng cũng có khi bên nhau gần cả đời người vẫn phải nhiều lần hỏi lại, không phải đơn giản chỉ là nơi chốn mà là để nếm trải nông sâu với cả một thân phận. Câu chuyện chiếc áo ngày Tết bây giờ lại ám ảnh mẹ con em!".
Tết năm ngoái, vợ và con gái tôi đi chọn mãi, cuối cùng con gái quyết định mua tặng ba một chiếc áo hiệu dành cho lớp thanh niên. Tôi mở ra và bảo: "Sao mà trẻ thế?". Nhưng nước mắt vẫn rưng rưng. Cầm lên hít hà mùi hồ mới rồi mặc luôn, không giặt. Vợ tôi ngậm ngùi: "Hóa ra người đã tự thấy mình... không trẻ, nhưng cái cách mặc áo mới chưa giặt thì chỉ có trẻ con thôi!".
Lần ấy, vợ tôi viết trong nhật ký: "Một người đàn ông giờ đã mang màu tóc khác. Có thể trong mắt những người bạn cũ, những người mới gặp, những người chưa quen... anh ấy có những chân dung khác. Có thể, tôi chưa thể hiểu hết chồng mình, nhưng thú thật tôi luôn có cảm giác anh ấy đến từ thế giới của những đứa trẻ, hồn nhiên và cũng dễ tổn thương".
***
Giáp Tết năm nay, đi làm về muộn đã đành, về đến nơi tôi lôi tuột vợ ra khỏi nhà: "Đi đến coi cái này với anh". Cô ấy ngạc nhiên hết sức. Đến nơi cô ấy mới hay, trên đường đi làm về, nhìn thấy mấy bộ đồ mới trên phố, tôi thích quá, cứ lượn qua lượn lại rồi chịu không đặng nên rủ vợ đi liền đến để mua cho... con trai. Báo hại, cô bán hàng thì cứ ra sức tư vấn rằng anh mặc cái này hơi trẻ và size hơi lớn.
Nói gì thì nói, ai cười thì cười, nhưng Tết về, tôi vẫn cứ chăm chút chọn cho con có thêm bộ đồ mới dù chúng nó chẳng thiếu gì áo quần. Tôi đang sống bằng ký ức của mình, mà không, hình như đó là ký ức của cả một thế hệ.
Những năm sau này, dịp Tết, không đợi tôi nhắc, vợ tôi lại mua cho tôi bộ đồ mới, không ủi mà gấp lại gối đầu giường, để có mùi vải mới, mùi của ký ức tuổi thơ.
Nhiều lần, bàn luận với bạn bè đến nhà chơi, tôi thường nói: "Tôi nghĩ lui nghĩ tới, thấy lớp trẻ thành phố bây giờ có một thiệt thòi lớn, không biết khổ là gì nên không biết thế nào là sướng. Mình sống qua thời khổ ải, nên giờ sướng chỗ nào biết chỗ đó". Cô ấy lại cười: "Anh đúng là đứa con nít nhiều tuổi!".
Tết đến rồi...
2009

Nhận xét

Bài viết liên quan